Sinh thái Núi ngầm

Vai trò sinh thái

Về mặt sinh thái, núi ngầm có vai trò cực kì quan trọng đối với quần xã sinh vật bao quanh chúng, nhưng vai trò của chúng đối với môi trường thì còn mơ hồ. Do "mọc" lên từ đáy biển, núi ngầm làm biến dạng dòng chảy thông thường, gây ra các xoáy nước và các hiện tượng thuỷ văn liên quan, tạo nên một đáy biển mới. Tốc độ dòng chảy ở đây có thể lên tới 0,9 knot hay 48 cm/giây. Do vậy, khu vực núi ngầm thường có lượng sinh vật phù du cao hơn bình quân, từ đó thu hút cá tìm đến, để rồi sau đó cá lại thành thức ăn cho các sinh vật săn mồi khác. Tất cả đã biến núi ngầm thành một điểm nóng sinh học quan trọng.[2]

Núi ngầm thường cung cấp nơi sinh sống và sinh sản cho các động vật lớn hơn, bao gồm rất nhiều loài cá khác nhau. Một số loài, ví dụ Allocyttus niger và Apogon nigrofasciatus, thường tụ tập ở núi ngầm hơn là tại các vùng biển khác. Các loài động vật biển có vú, cá mập, cá ngừ và động vật thân mềm tập trung tại núi ngầm để săn mồi. Tại các núi ngầm nông cạn, gần mặt biển, người ta nhiều khi người ta còn thấy cả chim biển đến tìm thức ăn.[2]

Nhờ độ cao của mình, núi ngầm tạo ra môi trường sống cho những sinh vật biển sống không sống hoặc không quen sống ở những vùng đáy sâu của đại dương. Do hình thành từ đá núi lửa, giá thể của núi ngầm thường cứng hơn nhiều so với trầm tích đáy biển xung quanh. Điều này khiến mức độ đặc hữu của quần thể động vật nơi đây cao hơn so với các quần thể sinh sống ở đáy biển bình thường.[11] Tuy nhiên, các nghiên cứu tiến hành gần đây tại núi biển Davidson (tiểu bang California, Hoa Kỳ) cho rằng không hẳn quần thể sinh vật núi ngầm có tính đặc hữu cao hơn, và các nhà khoa học vẫn tiếp tục bàn luận về tác động của núi ngầm lên tính đặc hữu của sinh vật. Tuy vậy, rõ ràng núi ngầm đã cung cấp nơi cư ngụ cho những loài vốn khó có thể sống sót ở một nơi nào khác ngoài núi ngầm.[12][13]

Có rất nhiều sinh vật kiếm ăn bằng cách lọc nước (filter feeder) sống tại phần đá núi lửa trên sườn núi ngầm, cụ thể như san hô thường tận dụng các dòng chảy mạnh xung quanh núi ngầm để lấy thức ăn. Điều này trái ngược hẳn với các môi trường dưới đáy biển sâu, nơi các sinh vật kiếm ăn ở chỗ lắng (deposit-feeding) dựa vào nguồn thức ăn lấy từ đáy biển.[2] Ở các vùng nhiệt đới, san hô phát triển nhiều dẫn tới sự hình thành các rạn san hô vòng trên đỉnh núi ngầm.[13][14]

Ngư nghiệp

Ngành công nghiệp đánh bắt thuỷ sản từ lâu đã chú ý đến nguồn lợi thuỷ sản mà các núi ngầm mang lại. Từ nửa sau thế kỉ 20, do cung cách quản lý yếu kém và áp lực tìm kiếm nơi khơi thác mới do các ngư trường và thềm lục địa truyền thống đã cạn kiệt, con người đã hướng đến việc đánh bắt thuỷ sản tại khu vực các núi ngầm từ đó.[15]

Có gần 80 loài cá và động vật có vỏ sinh sống ở núi ngầm bị khai thác thương mại, bao gồm Palinuridae, Paralithodes camtschaticus, Lutjanus campechanus, Hoplostethus atlanticus, Percidae, cá thu và cá ngừ.[2]

Bảo tồn

Loài cá Hoplostethus atlanticus bị cạn kiệt về số lượng do nạn khai thác quá mức. Các chuyên gia nói rằng phải mất nhiều thập kỉ mới khôi phục được số lượng loài này lại như cũ.[15]

Việc bảo tồn hệ sinh thái của núi ngầm gặp trở ngại do tình trạng thiếu thông tin. Có rất ít nghiên cứu về núi ngầm: chỉ 350 trong số 100.000 núi ngầm trên thế giới là được lấy mẫu, trong đó chỉ có 100 núi ngầm được nghiên cứu sâu.[16] Nguyên nhân gây nên tình trạng này là do thiếu công nghệ hay do khó tiếp cận các cấu trúc sâu dưới biển. Chỉ vài thập niên gần đây, công nghệ mới cho phép khám phá toàn diện núi ngầm. Trước khi tiến hành bảo tồn, cần thiết phải vẽ được bản đồ núi ngầm trên thế giới; hiện công việc này đang được tiến hành.[2]

Hoa tai làm bằng san hô khai thác từ núi ngầm

Đánh bắt hải sản quá mức là mối đe doạ nghiêm trọng đối với môi trường sinh thái nơi đây. Có thể kể đến nạn đánh bắt loài cá Hoplostethus atlanticus tràn lan ở bờ biển nước Úc và New Zealand hay nạn khai thác loài cá Pseudopentaceros richardsoni gần Nhật Bản và Nga.[2] Các loài này dễ cạn kiệt là vì vòng đời dài, phát triển chậm và trưởng thành chậm. Vấn nạn sử dụng lưới vét để đánh cá cùng với khó khăn trong việc giám sát các núi ngầm thuộc các vùng biển quốc tế càng làm trầm trọng thêm vấn đề này.[15] Theo báo cáo năm 2006 của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, đánh bắt hải sản bằng lưới vét là nguyên nhân gây nên 95% tổn hại đối với hệ sinh thái của núi ngầm.[17]

San hô từ núi ngầm cũng rất dễ bị tổn thương do việc chế tác đồ trang sức và đồ trang trí từ san hô mang lại lợi ích kinh tế cao. Con người khai thác rất nhiều san hô từ núi ngầm, gây cạn kiệt tầng san hô tại đây.[2]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Núi ngầm http://www.britannica.com/EBchecked/topic/250080/g... http://books.google.com/?id=u-NMJaicckMC&printsec=... http://www.sciencedaily.com/releases/2010/02/10022... http://www.sciencedaily.com/releases/2010/04/10043... http://www.ices.dk/marineworld/seamounts.asp http://www.soest.hawaii.edu/GG/HCV/loihi.html http://pangea.stanford.edu/research/groups/crustal... http://www-odp.tamu.edu/publications/197_IR/chap_0... //pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/19127302 //www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2613552